Sáng tác Echoes_(bài_hát_của_Pink_Floyd)

Mỗi đoạn vào chính của ca khúc được tiếp theo đó 3 tiểu đoạn nhỏ hơn. Ca khúc đã sử dụng rất nhiều hiệu ứng âm nhạc tiên tiến hoặc chưa từng được sử dụng. Tiếng giọt nước xuất hiện ở phần mở đầu của ca khúc là thành quả của rất nhiều thử nghiệm trong suốt quá trình thu âm Meddle: đó thực tế là tiếng piano được khuếch đại vang rồi chỉnh âm qua máy chỉnh âm Leslie. Phần lớn cấu trúc của bài hát được viết ở giọng Đô thứ. Một đoạn funk đặc trưng xuất hiện ở khoảng phút thứ 7. David Gilmour đã chơi rất nhiều đoạn luyến trong các hiệu ứng âm thanh trong phòng thu cũng như phần mở màn của các buổi trình diễn trực tiếp suốt những năm 1971-1975. Tiếng gió thổi được tạo ra khi Roger Waters miết dây bass guitar của mình và chuyển âm thanh qua máy Binson Echorec. Phần tiếng nhạc cụ điện giả tiếng hát của mòng biển được Gilmour vô tình phát hiện ra khi thu âm guitar với pedal sai kỹ thuật[1]. Nick Mason nói: "Tiếng guitar ở đoạn giữa của "Echoes" được tạo ra rất tình cờ khi Dave cắm nhầm giắc cắm của chiếc pedal ở mặt sau ra mặt trước. Đôi khi những hiệu ứng tuyệt hảo lại tới hoàn toàn từ may mắn, và chúng tôi thì luôn sẵn sàng bắt lấy bất cứ thứ gì hữu dụng cho một ca khúc nào đó. Những nền tảng mà chúng tôi có được từ Ron Gressin rằng nên đi xa hơn mọi khuôn sách đã để lại dấu ấn ở đây."[1]

Đoạn "hòa âm" ở phần giữa của ca khúc được tạo nên bằng cách đặt 2 cuộn băng ở 2 góc đối diện của phòng thu: chiếc băng chính sẽ được ghi trong một máy thu và phát lại khi ghi âm, chiếc băng còn lại cũng được thu cùng lúc đó. Điều này khiến cho 2 đoạn băng không trùng khớp nhau, dẫn tới việc thay đổi lớn trong cấu trúc của các hợp âm, làm cho đoạn nhạc trở nên rất "ướt" và "vang vọng"[2]. Các tiếng gió rít được tạo bởi Richard Wright khi thu lại tiếng cắm vào và rút ra các giắc cắm ở chiếc Hammond organ. Tiếng quạ được bổ sung bằng một số đoạn băng thâu sẵn (mà ban nhạc đã từng dùng trong nhiều ca khúc trước đó như "Set the Controls for the Heart of the Sun"). Phần sau của ca khúc bao gồm nhiều nốt câm chơi bởi Gilmour trong khi Wright chơi nhiều đoạn organ solo phỏng theo The Beach Boys trong ca khúc "Good Vibrations"[3]. Bài hát chuyển sang nhịp 12/8 sau khi qua đoạn điệp khúc trong khi các đoạn trước đó được chuyển giữa các nhịp 4/4, 6/8 và 6/4. Tiếng "ca voi" được bổ sung vào đoạn trống. Ca khúc kết thúc bằng một đoạn chạy gam Shepard-Risset.

Bản nháp

Ca khúc vốn là một bản tổng hợp các sáng tác riêng lẻ của từng thành viên, ghi lại dưới tên "Nothing, Parts 1–24". Các đoạn băng thu nháp được thực hiện lần lượt dưới những tên như "The Son of Nothing" và "The Return of the Son of Nothing" – những nhan đề này sau đó được sử dụng nhằm giới thiệu vào năm 1971 các phần nháp chưa từng được ban nhạc công bố[4].

Trong quá trình sản xuất, đoạn vào đầu tiên của ca khúc vốn chưa được xác định rõ ràng. Nó vốn được viết nhằm thể hiện cuộc gặp gỡ giữa hai con người trên thiên đàng, song vì quan điểm Waters luôn muốn Pink Floyd cũng phải là đại diện của space rock nên phần lời đã được chỉnh sửa để cũng có thể được hình dung rằng đó là một cuộc gặp gỡ dưới nước.

Tiêu đề "Echoes" là vấn đề lớn nhất mà ban nhạc gặp phải trước và sau khi phát hành Meddle. Waters, vốn là một người hâm mộ bóng đá, đề nghị đặt tên ca khúc "We Won the Double"[gc 1] nhằm ca ngợi chiến thắng của Arsenal vào năm 1971; còn trong tour diễn năm 1972 tại Đức, anh lại giới thiệu ca khúc này dưới tên "Looking Through the Knothole in Granny's Wooden Leg" (liên hệ với The Goon Show, cụm từ này xuất hiện trong tập "The £50 Cure")[5], và sau đó dưới tên "The Dam Busters"[gc 2][4].

Ý nghĩa

Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Rolling Stone, Waters tiết lộ rằng phần ca từ được viết nhằm miêu tả "cảm xúc rằng con người luôn cần nhận biết tính nhân văn ở đồng loại, bằng sự đồng cảm chứ không phải bằng sự ganh ghét." Anh cũng nhấn mạnh rằng ca khúc này lấy nhiều ý tưởng từ album trước đó The Dark Side of the Moon, và với "Echoes", âm nhạc của Pink Floyd bắt đầu quan tâm hơn tới con người và tính nhân văn hơn là những chuyến du hành vũ trụ và những hình tượng mang tính psychedelic[6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Echoes_(bài_hát_của_Pink_Floyd) http://cinefantastiqueonline.com/2007/11/18/meddli... http://www.darksideofthemoonbook.com/excerpt.html http://www.synchronicityarkive.com/node/152 http://www.thegoonshow.net/scripts_show.asp?title=... http://utopia.knoware.nl/users/ptr/pfloyd/intervie... http://www.pink-floyd.org/faq/faq5.html#9 http://www.brain-damage.co.uk/2006-tour-zone/april... https://web.archive.org/web/20091030032404/http://... https://web.archive.org/web/20121120155329/http://... https://web.archive.org/web/20151022041002/http://...